17 tháng 10, 2014

Bát mì của lòng tự trọng


Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.

Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.
-----
Nguồn: Theo Vietnam

Thư giãn cuối tuần

Câu chuyện thứ nhất
Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Thầy giáo Việt Nam phê: “Không có chí lớn”, còn thầy giáo người nước ngoài nói: “Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới”.
Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình

Câu chuyện thứ hai
Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.
Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình.

Câu chuyện thứ ba
Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.
Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.

Câu chuyện thứ tư
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”. Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.
Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

Câu chuyện thứ năm
A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”. B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”. A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.
Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

Câu chuyện thứ sáu
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét: 
– Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp! 
Người cha ôn tồn đáp lại: 
– Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!
Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!

Câu chuyện thứ bảy
Có hai đoàn khách nước ngoài đến thăm một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu “Kỳ hoa dị thảo” lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: “Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp”. Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một chút rồi nói: “Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế”.

Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn.

Câu chuyện thứ tám
Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.
Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.

Câu chuyện thứ chín
Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức tranh ​ấy lúc nẫy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”. Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.
Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường.

Câu chuyện thứ mười
Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới: 
– Em không nghe thầy gọi tên à? 
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép: 
– Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ!

Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em tính khiêm tốn.

------
Nguồn: Internet

Những bài văn độc đáo của học sinh tiểu học

Tả con gà trống
Trường TH Thanh Xuân Trung đã chia sẻ về một bài văn độc đáo của học trò. Đề văn tả con gà trống, có em viết: “Nhà em có một con gà trống, lông nó màu tía rất đẹp. Mỗi sớm mai thức dậy nó gân cổ gáy thùn thụt báo thức cho mọi người dậy đi làm. Hôm giỗ ông em, con gà trống không gáy nữa vì bị bố em làm thịt”.

Tả sân trường
Với đề bài là tả cảnh sân trường trước giờ vào lớp: “Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú”.

Tả cô giáo
Nhiều cô giáo khi chấm bài cho học sinh cũng không nhịn được cười khi thấy học sinh tả mình:”Cô giáo em duyên dáng lắm. Mái tóc cô dài, khuôn mặt trái xoan. Đặc biệt cô có hàm răng trắng thẳng tắp như bờ ruộng…”.

Tả bà nội
Còn với đề bài kiểm tra là hãy tả bà nội của em thì có học sinh lớp 4 viết: “Bà nội em năm nay đã 70 tuổi nhưng giọng của bà vẫn sang sảng. Sáng nào bà cũng lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?”.

Kể một chuyện xảy ra trong gia đình
Đề văn “Em hãy kể một chuyện xảy ra trong gia đình“. Một học sinh Tiểu học làm một bài Super ngắn như sau:

- Mở bài: Hôm nay em đi học về thì thấy ông em đang chẻ tăm.
- Thân bài: Ông đang chẻ tăm thì bị đứt tay. Em vội tháo khăn quàng ra băng bó vết thương cho ông.
- Kết luận: Không nên cho người già…. chơi dao

Tả người bà
“Bà em rất cao. Thân bà cao bảy thước. Gần nhà em có mấy cái cô bán bia ôm, buổi trưa hay la lối, cười giỡn om sòm với mấy cái ông lạ hoắc ở đâu tới. Bà tức lắm, chống nạnh chửi qua. Mấy cô thấy bà cao lớn, không dám chửi lại”

Tả người thầy em yêu quý nhất
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

Tả một buổi học
Tùng tùng tùng, tiếng trống vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Không còn cảnh nô nghịch, chạy nhảy nhốn nháo nữa. Các bạn, ai ai vào vị trí của người đó. Sách vở để ngay ngắn trên bàn. Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng: “Hôm nay có ai đóng tiền không?”
-------o0o----------

Nền giáo dục ở miền nam 1954-1975 (trích)

Trước khi bị Pháp đô hộ, nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục cũ của Nho gia, gọi nôm na là “cái học của nhà Nho” như nhiều người thường nói. Nền giáo dục cũ này chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa, từ chương trình, sách vở, lối học đến cách thức thi cử. Tổ chức giáo dục xưa được Đào Duy Anh ghi lại như sau trong quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương:

Trường học thì phần lớn là nhà riêng của ông thầy, hoặc ở chùa hay ở đình, miểu trong làng. Giáo dục có thể xem như là công việc của nhànho hơn là của quốc gia, không thuộc một cơ quan công quyền với sự tài trợ và kiểm soát đôn đốc của chính phủ. Không có một hệ thống tổ chức qui mô của một nền giáo dục quốc gia gồm đủ cơ sở và nhân viên giảng huấn và điều hành từ trung ương đến địa phương, từ cấp thấp (như tiểu học) lên cấp cao (như đại học). Chương trình học thì gồm có mấy quyển Tam Tự Kinh, Sơ Học Vấn Tân, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Dương Tiết và Minh Tâm Bửu Giám ở cấp vở lòng, xong rồi lên trên thì học Bắc sử (tức sử Tàu) và Tứ Thư Ngũ Kinh. Tất cả những sách này là sách gối đầu giường của Nho gia, chú trọng hầu hết vào triết lý, luân lý, đạo đức chứ không có một ý niệm khoa học kỹ thuật nào chen vào. Phương pháp giảng dạy thì phần lớn như Đào Duy Anh tả: “thầy thì cứ nhắm mắt mà giảng chữ nào nghĩa nấy chỉ sợ sai mất nghĩa của Tống Nho.” Phương pháp học hỏi thì hoàn toàn dựa vào sự học thuộc lòng thu gọn vào trong công thức “sôi kinh nấu sử” tức là học tới học lui mãi cho đến khi nào thuộc nằm lòng Tứ Thư Ngũ Kinh và Bắc sử. Người đi học thực tập nhiều nhất là viết chữ cho thật đẹp như “phụng múa rồng bay”, làm thơ, làm phú, kinh nghĩa, văn sách, chế chiếu, biểu, câu đối, cho thật nhanh, thật khéo và thật chỉnh, dùng được càng nhiều điển tích càng hay để có thể đậu được các kỳ thi do triều đình tổ chức. (Có ba kỳ thi: thi Hương tổ chức ở một số địa phương để lấy Tú Tài; thi Hội và thi Đình tổ chúc ở trung ương để lấy Cử Nhân và Tiến Sĩ). Tất cả các kỳ thi đều là thi tuyển và chỉ nhắm vào một kỷ năng của thí sinh là làm văn làm thơ dưới nhiều dạng như thơ đường luật, kinh nghĩa, văn sách, v v … Thường thì ba năm mới có một khoa thi, và đi thi là cả một vấn đề khổ nhọc cho sĩ tử vì trường thi ở xa, đường giao thông khó khăn, phương tiện giao thông còn rất thiếu kém. Thi đậu được thì có thể ra làm quan, không thì lui về làm thầy đồ thầy khóa, “tiến vi quan, thối vi sư” vậy.

[…]

Giới sĩ phu là giới sát cạnh nhà vua, giúp vua trị nước, thuộc hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, là bậc thầy trong xã hội, đóng vai dẫn đầu, điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong mọi sinh hoạt bảo vệ và phát triển đất nước. Nước giàu dân mạnh hay suy nhược đói nghèo, trách nhiệm ở giới lãnh đạo, ở Kẻ Sĩ, nhà Nho. Lớp trí thức nho sĩ cũng như cái học cũ của nho gia ngự trị trong xã hội Việt Nam từ thời Lý Trần cho đến khi có sự xăm chiếm và đô hộ của người Pháp hồi cuối thế kỷ XIX trong Nam và đầu thế kỷ XX ở miền Bắc và Miền Trung. Riêng trong Nam thì vì Nam Kỳ Lục Tỉnh chỉ mới được thành hình trọn vẹn từ giữa thế kỷ XVIII cho nên sự giáo dục ở đây chưa được tổ chức rộng rãi, chưa có cội rễ ăn sâu vào lòng đất như ở chốn ngàn năm văn vật của Thăng Long – Hà Nội . Tính ra thì Nho học chỉ có được chừng một thế kỷ ngự trị ở Phương Nam. Mãi đến năm 1826 Miền Nam mới có vị Tiến Sĩ đầu tiên theo lối học xưa là cụ Phan Thanh Giản. Nhưng nền học vấn cổ truyền của nho gia này ở Miền Nam chỉ mới có chừng trăm năm thì bị sụp đỗ hẵn bởi sự thất bại, suy vong của triều Nguyễn trước sức mạnh quân sự và nền văn minh khoa học kỹ thuật Âu Tây. Khi nền cai trị của chính quyền đô hộ Pháp được thiết lập xong thì cái học nhà nho cũng bị xóa bỏ để nhường chỗ cho cái học mới hay Tây Học.

[…]

Cái học mới này (tân học) diễn ra ở Miền Nam trước nhất vào cuối thế kỷ XIX sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ ở đây. Nền giáo dục mới này lấy giáo dục Pháp làm khuôn mẫu, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Trường học gồm có các trường công do chính phủ xây cất, đài thọ chi phí và kiểm soát, và một số trường tư của Thiên Chúa giáo hoặc của tư nhân. Hệ thống giáo dục mới này được thiết lập nhằm hai mục tiêu: (1) mục tiêu thực tiễn là đào tạo một số người biết tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ, và có chút kiến thức về văn minh Tây phương để làm công chức ở ngạch trật thấp phục vụ cho chính phủ thuộc địa, và (2) mục tiêu lý tưởng là đồng hóa người bản xứ biến họ thành những người Pháp về phương diện văn hóa. Một số nhà trí thức Pháp tự cho họ cái sứ mạng cao cả là đem văn minh khoa học Âu Tây phổ biến khắp nơi. Đó là sứ mạng văn minh hóa (“mission civilisatrice”) tức là đi khai hóa các nước chậm tiến, kém văn minh, kém mở mang. Người đầu tiên thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa (cultural assimilation) đó ở Miền Nam là Thống Đốc Le Myre de Vilers. Ông là người dân sự đầu tiên được cử sang làm Thống Đốc Nam Kỳ từ năm 1879 đến 1892. Các ông thống đốc trước ông đều là những người bên quân đội, nhất là bên hải quân. Để thực hiện sứ mạng văn minh hóa dân bản xứ, ông cho mở rất nhiều trường ở mỗi làng và mỗi tổng cho cấp sơ và tiểu học. Tuy nhiên vì thiếu hụt ngân sách vàkhông đủ giáo chức cho nên nhiều trường chỉ được mở ra rồi liền sau đó lại đóng cửa thôi. Sang đầu thế kỷ XX chế độ giáo dục mới mới được thiết lập ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ sau một vài sửa đổi theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau hồi 1906-07. Theo quyết định này thì một hội đồng cải tổ giáo dục được thành lập để đem chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp và nền tân học vào chương trình học và chế độ khoa cử mới. Các thầy đồ, thầy khóa ở xã thôn, các quan giáo huấn, đốc học ở phủ, huyện, tỉnh, phải dạy thêm chữ Quốc Ngữ cho học trò ngoài việc dạy chữ Hán như trước. Các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có có chút đổi mới từ 1909. Bài luận chữ Quốc Ngữ và bài dịch Pháp văn ra Việt văn được thêm vào các kỳ thi nhưng chỉ là môn phụ và có tính cách tự nguyện chớ không bắt buộc. Trong kỳ thi Hội và thi Đình năm 1910 có thêm bài thi cách trí, địa dư nước nhà, sử Thái Tây, nhân vật nước nhà và thời sự. Đặc biệt là bài thi được chấm điểm theo lối mới của Pháp với thang điểm từ 0 đến 20. Triều đình tựa trên thang điểm đó mà định làm 6 hạng trúng tuyển: Trạng Nguyên (20 điểm), Bảng Nhỡn (18-19 điểm), Thám Hoa (16-17 điểm), đệ nhị giáp Tiến Sĩ (từ 12 đến 15 điểm), Đồng Tiến Sĩ (từ 10 đến 12 điểm), và Phó Bảng (từ 7 đến 9 điểm). Song song với việc thành lập hội đồng cải cách giáo dục, một trường sư phạm cũng sẽ được thiết lập để đào tạo giáo viên tiểu học người Việt. Ngoài ra, trong mục đích tuyên truyền, Toàn Quyền Paul Beau cũng cho mở một trường đại học hồi năm 1907 ở Hà Nội để thu phục nhân tâm (sau khi chính quyền cho đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và bắt giam một số nhà cách mạng). Nhưng đại học chỉ được mở ra mà không hoạt động, phải đến năm 1918, dưới thời Toàn Quyền Albert Sarraut, trường mới thật sự mở cửa. Trước đó một năm, năm 1917, chánh quyền thuộc địa đã cho ban hành một hệ thống giáo dục mới có qui cũ, thống nhất trên toàn quốc, về tất cả các phương diện tổ chức hành chánh, chương trình học, qui chế giáo chưc, và tổ chức thi cử. Đến đây cái học cũ trên toàn quốc hoàn toàn lui vào bóng tối nhường chổ cho giáo dục mới.

Người sốt sắng thực hiện mục tiêu văn minh hóa người Việt Nam là Le Myre de Vilers. Để thực hiện sứ mạng văn minh hóa người Việt ông cho mở rất nhiều trường học, từ trường sơ cấp ở làng đến trường tiểu học ở quận và tỉnh, và đặc biệt nhất là một trường trung học (collège) ở Nam Kỳ. Đây là trường trung học đầu tiên và vào cuối thế kỷ XIX đây là trường trung học duy nhất cho cả Miền Nam. Trường chỉ có hai năm học và mang tên là Collège de MỹTho. Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã từng học ở trường này. Sang thế kỷ XX trường có đủ bốn năm học và được đổi tên là Collège Le Myre de Vilers, do một số giáo sư của trường đề nghị để ghi nhớ ông Thống Đốc dân sự đầu tiên đã mở ra trường này và cũng để ghi nhớ công lao của ông đối với việc phát triển nền giáo dục mới ở Nam Kỳ. Đến giữa thập niên 1950 trường được phát triển thêm, có các lớp đệ nhị cấp đủ để trở thành trường trung học đệ nhị cấp. Trường được đổi thành Lycée và mang tên một danh nhân Miền Nam Việt Nam: cụ Đồ Chiểu. Danh xưng Lycée Nguyễn Đình Chiểu rồi Trung Học Nguyễn Đình Chiểu ra đời từ đó và còn mãi đến bây giờ.

[…]
Giáo dục, hiểu theo nghĩa xã hội, là cách thức xã hội hóa (socializing) con người. Giáo dục có nhiệm vụ dạy cho con người biết cách sống trong xã hội, biết nền văn hóa mà con người được sinh ra trong đó để sống cho thích hợp. Cách ăn uống, lễ phép, cách đối xử, các nghề nghiệp sinh sống, phong tục tập quán, v v … tất cả đều có trong xã hội đương thời và nhiệm vụ của giáo dục (từ giáo dục trong gia đình đến giáo dục ngoài xã hội) là tập luyện cho con người thích nghi vào trong xãhội văn hóa đó. Tuy nhiên trong ba bậc học (tiểu học, trung học, và đại học) ở học đường, mỗi bậc có cách xã hội hóa khác nhau. Ở tiểu học giáo dục nhằm xã hội hóa con người ở mức độ cơ bản, nghĩa là người ta chỉ dạy những cái cần thiết căn bản của xã hội. Ở bậc trung học sự xã hội hóa nhắm vào việc thích nghi con người vào tình trạng văn hóa mà người ta muốn có. Thường khi người ta (các nhà làm chính trị, những nhà lãnh đạo) muốn có xã hội thế nào thì người ta nhắm vào lớp người vào trung học để đào luyện họ trỡ thành những công dân kiểu mẫu cho xã hội người ta muốn có. Những người này sẽ được xã hội hóa để bảo tồn những gì đã có. Ở bậc đại học sự xã hội hóa bớt đi rất nhiều tính cách uốn nắn mà thường có tính cách khơi động nhiều hơn. Người lên đại học phải mở rộng sự hiểu biết của mình để đón nhận những mới lạ để có thể hướng xã hội đến những sửa đổi, tiến triển, hiện đại nhiều hơn là bảo tồn những gì đã có sẵn từ trước. Các trường trung học của chúng ta cũng đóng vai trò xã hội hóa học sinh giống như bao nhiêu trường trung học khác trên thế giới. Việc xã hội hóa ở đây là thích nghi con người vào trong xã hội Miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ XX.

Vào cuối thế kỷ XIX Nam Kỳ có khoảng một triệu rưởi dân số, nhưng chỉ có khoảng 5 ngàn học sinh cho tất cả từ sơ cấp đến tiểu học. Tỷ lệ người đi học tuy thấp so với sĩ số mà ta có sau này dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhưng so với thời đại các nhà Nho thì đây là con số khá lớn. Số đông này là số được hấp thụ giáo dục mới. Họ sẽ là lớp người dùng chữ Quốc Ngữ thay chữ Nôm và chữ Hán, họ cũng là những người biết chút ít tiếng Pháp và một số kiến thức khoa học phổ thông có thể xem như là giới trí thức tân học ở thời kỳ chuyển tiếp này. Đó là tình trạng giáo dục ở Miền Nam. Và đến năm 1917 chính quyền thuộc địa mới có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Hệ thống giáo dục mới này – gọi là Giáo Dục thời Pháp thuộc – gồm có ba bậc: Tiểu học, Trung học, và Đại học. Bậc Tiểu học được chia làm hai cấp: (1) cấp Sơ học gồm các lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) hay lớp Năm hoặc lớp Chót, lớp Dự Bị (Cours Preparatoire) hay lớp Tư, và lớp Sơ Đẳng (Cours Elementaire) hay lớp Ba, (2) cấp Tiểu học gồm có lớp Nhì Một Năm (Cours Moyen Première Année), lớp Nhì Hai Năm (Cours Moyen Deusième Année) và Lớp Nhất (Cours Supérieur). Mỗi làng có một trường sơ cấp. Ở tổng lớn hay ở quận (đông dân) có thể có trường tiểu học nếu có đông học sinh. Tại mỗi tỉnh lỵ có một trường tiểu học lớn (có nhiều lớp cho mỗi cấp lớp), như trường Nam Tiểu học Mỹ Tho chẳng hạn có được 5 lớp Nhất, 1 lớp Tiếp Liên (Cours des Certifiés) hồi thập niên 1940. Học xong lớp Ba, tức là hết Sơ cấp, học sinh phải thi tuyển vào lớp Nhì Một Năm để học tiếp bậc Tiểu học, và khi xong lớp Nhất (hết bậc Tiểu học) học sinh lại phải thi lấy bằng Sơ Tiểu tiếng Pháp viết tắt là bằng CEPCI (tức là Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Đậu xong bằng này học sinh mới được dự kỳ thi tuyển vào năm Thứ Nhất trường Trung học.

Bậc Trung học cũng chia làm hai cấp. Cấp thứ nhất gọi là Cao Đẳng Tiểu Học (Enseignement Primaire Superieur, cũng như trung học đệ nhất cấp sau này) gồm có bốn lớp: Năm Thứ Nhất (Première Année), Năm Thứ Nhì (Deuxième Année), Năm Thứ Ba (Troisième Année) và Năm Thứ Tư (Quatrième Année). Học xong Năm Thứ Tư học sinh thi lấy bằng Thành Chung hay DEPSI (Diplôme d’Études Primaire Superieur Indochinois). Những ai muốn thi lấy bằng cắp Pháp thì có thể thi bằng Brevet Premier Cycle hay Brevet Elementaire. Cấp thứ hai là ban Tú Tài gồm các lớp Second (như Đệ Tam hay lớp 10 sau này), Première (như Đệ Nhị hay lớp 11) và lớp Terminale (như Đệ Nhất hay lớp 12). Xong lớp Première (Đệ Nhị hay lớp 11) học sinh phải thi Tú Tài I (Baccalauréat Première Partie), đậu được Tú Tài I mới được vào học lớp Đệ Nhất hay lớp 12. Học hết lớp 12 học sinh phải thi lấy bằng Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie). Khi lên lớp Terminale (lớp 12) học sinh phải chọn một trong ba ban chính sau đây: (1) ban Triết (Philosophie), (2) ban Khoa Học Thực Nghiệm (Sciences Expérimentales), và (3) ban Toán (Mathématiques Élémentaires)… Học hết lớp 12 học sinh phải thi lấy bằng Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie) về một trong các ban nói trên. Bằng Tú Tài II thường được gọi tắt là Bac. Philo. (Tú Tài II ban Triết), Bac. Math. (Tú Tài II ban Toán) v v … Xong Tú Tài học sinh mới được vào Đại học, và dưới thời Pháp thuộc chỉ có một đại học duy nhất ở Hà Nội cho toàn cõi Đông Dương. Một số không nhỏ học sinh Việt Nam, nhất là ở Miền Nam, sau khi xong Tú Tài thường qua Pháp học tiếp bậc đại học thay vì ra Hà Nội học.

Chương trình học trên đây chịu ảnh hưởng nặng nề của chương trình Pháp, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Tiếng Việt chỉ được xem như một sinh ngữ phụ. Đúng ra đây chỉ là chương trình Pháp thật sự nhưng có chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các trường Việt Nam. Chương trình này kéo dài đến hết Thế Giới Đại Chiến Thứ Hai trên toàn cỏi Việt Nam. Sau năm 1945, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, chương trình Việt được ban hành. Chương trình này – chương trình Hoàng Xuân Hản – được đem ra áp dụng trước ở Bắc Việt và Trung Việt, nhưng riêng ở Miền Nam thì vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục. Dưới thời Pháp đô hộ giáo dục phát triển rất chậm chạp. Quyền quyết định về giáo dục cũng như chính sách giáo dục hoàn toàn nằm trong tay người Pháp. Phải đến giữa thập niên 1950, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chương trình Việt mới bắt đầu được áp dụng ở trong Nam để thay thế chương trình Pháp. Cũng từ khoảng thời gian đó, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo quan trọng của họ. Những đóng góp của họ thật lớn lao đưa đến sự bành trướng và phát triển vô cùng mạnh mẽ của nền giáo dục quốc gia dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

[…]

Triết lý giáo dục VNCH nằm trong những Nguyên Tắc Căn Bản do Bộ Giáo Dục ấn hành năm 1959 và sau đó được ghi lại trong hiến pháp 1967. Những nguyên tắc căn bản này được tóm lược như sau:

Thứ nhất: Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản (humanistic education). Nhân là người hay con người, bản là gốc là căn bản. Trong lãnh vực triết lý, thuyết nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong đời sống trên thế gian này. Thuyết nhân bản lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản chớ không nhắm đến linh hồn hay một cuộc đời nào khác ngoài thế giới mà loài người hiện đang sống trong đó. Theo thuyết này, con người có giá trị đặc biệt của con người, cao cả hơn tất cả các giống sinh vật khác trên đời này. Chỉ có con người mới có văn hóa, có những hoạt động có suy tư, có sáng tạo, làm cho cuộc sống của con người tiến hóa luôn từ xưa đến giờ. Nhân bản cũng chỉ tính cách linh thiêng của con người, khác hơn mọi loài vật, “nhân linh ư vạn vật”, và con người phải được tôn trọng bởi tính linh thiêng đó. Con người tự nó là một cứu cánh chớ không phải là một phương tiện. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giácon người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, con người có giá trị của con người như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Thứ hai: Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc (nationalistic education). Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh anh hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc Việt Nam có mặt trên thế giới này từ bao nhiêu ngàn năm trước. Dân tộc đó có tiếng nói riêng, có lịch sử riêng, có một nền văn hóa riêng của nó từ bao đời. Dân tộc tính đó trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị tan biến hay tiêu trầm trong những nền văn hóa khác.

Thứ ba: Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng kín cữa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

[…]

Từ những nguyên tắc căn bản trên đây, quan niệm về giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa bao gồm những tư tưởng nền tảng sau đây liên hệ tới những mục tiêu chính của giáo dục:

Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những định luật phát triển tự nhiên về vật lý và tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của mỗi cá nhân học sinh phải được lưu ý đúng mức. Cung ứng cho học sinh đầy đủ tin tức, dữ kiện, để học sinh phán đoán, lựa chọn, không che dấu tin tức hay chỉ cung cấp những tin tức chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, một hường đi định sẵn nào.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xăm bảo vệ tổ quốc, yêu thương giúp đở nhau trong tình đồng bào; giúp học sinh học tiếng Việt và xử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết cái đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm tự trị với sự phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp phát triển sự phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp đón nhận những giá trị văn hóa rộng rãi.

Tóm lại, mục đích của giáo dục quốc gia là giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện để trở thành những người có kỹ năng thưc tiễn, có khả năng tư duy, để làm việc, sinh sống, có đạo đức, có tình người, để gây dựng hạnh phúc gia đình và hội nhập vào xã hội góp phần vào việc bảo vệ và phát triển quốc gia. Người được đi học sẽ trỡ thành người tốt và có ích cho chính mình, cho gia đình, và cho quốc gia dân tộc. Giáo dục Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp xã hội, không phân biệt tôn giáo, địa phương, chủng tộc. Giáo dục Việt Nam cố tạo những cơ hội đồng đều cho mọi người được đi học tuy nhiên không phải ai cũng có thể học được đến hết bậc đại học, hay ai cũng học đến bác sĩ, kỷ sư hoặc các ngành cao đẳng chuyên nghiệp khác. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo khả năng và sở thích, có người chỉ học được hết Tiểu Học, có người học hết Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay Trung Học Đệ Nhị Cấp, có những người khác thì học đến hết bậc đại học. Nhưng dù bất cứ học đến bậc học nào, mục đích của giáo dục vẫn phải là giúp tất cả mọi người trỡ thành người tốt, người đã được phát triển về khả năng cũng như đạo đức, dù khả năng đó ở mức đô nào. Nếu có những người chỉ có cơ hội học hết Tiểu Học thôi, thì giáo dục vẫn có bổn phận giúp họ phát triển đến hết mức đó, và vẫn làm thế nào giúp họ trỡ thành người tốt với mức học Tiểu Học của họ.

[…]

Tựa trên mục đích của giáo dục đã nêu trên, hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trong những năm sau cùng trước biến cố 1975, được thiết lập trong tinh thần tiếp cận hệ thống giáo dục của các quốc gia tiền tiến trên thế giới. Hệ thống này gồm ba cấp bậc: Tiểu học, Trung học, và Đại học. Tiểu học và Trung Học Đệ Nhất Cấp là cái học Phổ Thông (gồm 9 năm học). Trung Học Đệ Nhị Cấp bắt đầu chia ngành chuyên môn. Đây là những năm chuyển tiếp để vào các ngành chuyên môn hơn ở Đại Học, hoặc ra đời làm việc sinh sống. Riêng ở hai bậc Tiểu và Trung học, hệ thống giáo dục Việt Nam là hệ thống 5-4-3, với 12 năm liên tục, từ Lớp 1 đến Lớp 12, phân bố như sau:

Tiểu học (chỉ có Phổ Thông):

Lớp Một (Lớp Năm cũ)
Lớp Hai (Lớp Tư cũ)
Lớp Ba (Lớp Ba cũ)
Lớp Bốn (Lớp Nhì cũ)
Lớp Năm (Lớp Nhứt cũ)

Trung học Đệ Nhất Cấp (chỉ có Phổ Thông):

Lớp Sáu (Đệ Thất cũ)
Lớp Bảy (Đệ Lục cũ)
Lớp Tám (Đệ Ngũ cũ)
Lớp Chín (Đệ Tứ cũ)

Trung học Đệ Nhị Cấp (Phổ Thông và Chuyên Nghiệp):

Lớp Mười (Đệ Tam cũ)
Lớp Mười Một (Đệ Nhị cũ)
Lớp Mười Hai (Đệ Nhất cũ)

Bắt đầu Trung học Đệ Nhị Cấp, từ Lớp Mười, học sinh phải chọn Ban chuyên môn, và ngành chuyên môn như sau (từ 1973):

Ngành Phổ Thông:

Ban A (hay Ban Khoa Học Thực Nghiệm)
Ban B (hay Ban Toán)
Ban C (hay Ban Sinh Ngữ)
Ban D (hay Ban Cổ Ngữ)

Ngành chuyên nghiệp Nông Lâm Súc (Trung học Nông Lâm Súc)

Ngành chuyên nghiệp Kỹ Thuật (Trung Học Kỹ Thuật)

Bậc Đại học bao gồm:
Đại Học Cộng Đồng (hai năm)·
Đại Học (chương trình Cử Nhân trở lên)·

5. ĐIỀU KIỆN NHẬP HỌC:

Vào Lớp Một, bậc Tiểu Học:

Tất cả trẻ em từ 6 tuổi là nhận vào Lớp Một để bắt đầu bậc Tiểu Học. Tuy không có luật bắt buộc phải đi học, nhưng hầu hết trẻ em đều được đi học hết bậc Tiểu Học miễn phí ở các trường Tiểu Học công lập. Học sinh có thể học trường Tiểu Học tư thục nếu phụ huynh muốn.

Vào Lớp Sáu, bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp

Muốn vào học Lớp Sáu, Trung Học Đệ Nhất Cấp, học sinh phải học xong Tiểu Học và phải qua một kỳ Thi Tuyển Vào Lớp Sáu. Đây là kỳ thi gay go vì số chổ ở Lớp Sáu Trung Học công lập có giới hạn. Chỉ khoảng 62% học sinh xong Tiểu Học được tuyển chọn vào Lớp Sáu trường công. Học trường công thì không phải trả học phí. Học sinh thi rớt vào Lớp Sáu trường công có thể lên học bậc trung học đệ nhất cấp ở các trường tư thục (có học phí).

Vào Lớp Mười Trung Học Đệ Nhị Cấp

Học sinh học xong Lớp Chín, có đủ điểm lên lớp, được vào Lớp Mười, ngành Phổ Thông, không phải qua một kỳ thi nào. Vào trường công thì không phải đóng học phí. Tuy nhiên, khi vào Lớp Mười học sinh phải lựa chọn Ban. Việc chọn Ban có tính cách tự nguyện, do tự học sinh muốn chọn Ban nào cũng được tùy theo sở thích của mình chớ không qua một sự hướng dẫn, hay chỉ bảo nào của nhà trường. Vào lớp Mười các ngành chuyên môn như Nông Lâm Súc hay Kỹ Thuật thì học sinh phải qua một kỳ thi tuyển vì số chổ giới hạn hơn ngành Phổ Thông.

Vào Năm Thứ Nhất Đại Học

Học sinh đậu xong Tú Tài, kể như tốt nghiệp bậc Trung Học, có đủ điều kiện để vào học Năm Thứ Nhất bậc Đại Học. Tuy nhiên vì có một số đại học có số chổ rất giới hạn nên đòi hỏi học sinh phải dự một kỳ thi tuyển như các đại học Y, Dược, Nha, Kỷ Thuật, Sư Phạm. Sự tuyển chọn hoàn toàn tựa trên khả năng của thí sinh , không có vấn đề lý lịch gia đình chen vào. Các đại học khác như Luật, Khoa Học, Văn Khoa không có thi tuyển, chỉ nhận thẳng những học sinh đã có bằng Tú Tài, không có một sự phân biệt, kỳ thị nào. Trường công thì không phải đóng học phí dù là bậc đại học. Chỉ có đóng tiền đi thi cuối năm ở một số trường hay phân khoa. Có những chương trình có học bổng cho sinh viên như trường sư phạm chẳng hạn.

6. CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Chương trình học ở các bậc Tiểu và Trung học do Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên ban hành. Chương trình học này tựa trên triết lý giáo dục, mục đích và hệ thống giáo dục đã nêu trên. Chương trình do Ủy Ban Soạn Thảo Chương Trình, gồm một số thanh tra và giáo sư các môn liên hệ soạn thảo và đề nghị. Chương trình này được áp dụng đồng nhất cho cả trường công lẫn trường tư trên toàn quốc.

· Bậc Tiểu Học:

Chương trình Tiểu Học cung ứng cho học sinh những kiến thức cần thiết để ra đời hay lên học ở bậc Trung Học, cùng với những kỷ năng cơ bản (basic skills), những kỹ năng thực tiển (practical skills) và những cách thế phát triển cá nhân hầu có thể thích ứng dễ dàng với môi trường sinh sống.

Chương trình học chú trọng nhiều vào ba môn chính là Quốc Văn (tiếng Việt), Toán, Khoa Học Thường Thức. Bên cạnh ba môn chính trên đây phần Luân Lý với Công Dân Giáo Dục cũng được đặc biệt lưu ý. Số giờ và môn học được phân bố như sau:

1) Quốc Văn từ 7 tiếng 1/2 đến 9 tiếng 1/2 mỗi tuần tùy theo lớp, và bao gồm tập đọc, ngữ vựng, tập viết, chính tả, văn phạm, tập làm luận văn (tả vật, tả cảnh, tả người, thuật sự, viết thơ).

2) Công Dân Giáo Dục dạy về quyền và bổn phận của một công dân: từ 2 tiếng12 phút đến 2 tiếng ½ mỗi tuần tùy theo lớp.

3) Toán: từ 2 tiếng ½ đến 4 tiếng mỗi tuần tuỳ theo lớp, gồm có bốn phép toán, phân số, số học và hình học

4) Khoa Học Thường Thức: 2 tiếng ½ mỗi tuần bao gồm vạn vật, vệ sinh, các chứng bệnh, phép đo lường,

5) Sử Địa: SửViệt Nam và thế giới: 1 tiếng mỗi tuần, chỉ có từ lớp Ba trở lên; Địa Lý Việt Nam và thế giới: 1 tiếng mỗi tuần từ lớp Ba trỡ lên.

6) Nhiệm Ý: Thể Dục: 1 tiếng ½ đến 2 tiếng mỗi tuần tùy theo lớp; Hội Họa: 1 tiếng mỗi tuần; Nữ Công Gia Chánh: 2 tiếng mỗi tuần riêng cho nữ sinh từ lớp Ba trở lên.

Sinh Ngữ không có trong chương trình Tiểu Học. Các trường Tiểu học công lập không có sinh ngữ trừ trường hợp đặc biệt của các Trung Tâm Giáo Dục do người Pháp chuyển giao cho Bộ GD năm 1969. Có 5 trung tâm tất cả( Trung Tâm Lê Quí Đôn ở Sài Gòn, Trung Tâm Hồng Bàng ở Chợ Lớn, Trung Tâm Yersin ở Đà Lạt, Trung Tâm Pascal ở Nha Trang, và Trung Tâm Nguyễn Hiền ở Đà Nẳng). Ở các trung tâm này có thêm giờ Pháp Văn ở bậc Tiểu Học do giáo sư Pháp đảm trách và do cơ quan Văn Hóa Pháp đài thọ. Một số trường Tiểu học tư thục có thêm giờ sinh ngữ, ngoài số giờ ấn định của chương trình Tiểu học công lập.

· Bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp:

Chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp cung ứng cho học sinh những kiến thức tổng quát, có phần sâu rộng hơn bậc tiểu học nhưng chưa đi vào chuyên môn như ở Trung Học Đệ Nhị Cấp. Chương trình này một mặt bổ túc cho những kiến thức đã gặt hái được ở bậc Tiểu Học, và mặt khác chuẩn bị cho học sinh đón nhận những kiến thức sâu rộng hơn ở bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Chương trình bao gồm:

1) Quốc văn: văn phạm, chính tả, giảng văn (văn xuôi và văn vần), luận văn (luận đề luân lý), 6 giờ mỗi tuần.

2) Sinh ngữ: học sinh chọn một trong hai sinh ngữ Anh hoặc Pháp. (sinh ngữ Anh, dùng English for Today, từ Book I đến Book III ; sinh ngữ Pháp dùng Civilisation Francaise, tome I: Le Francais Elementaire). 6 giờ mỗi tuần ở các lớp 6 và 7; 5 giờ mỗi tuần ở các lớp 8 và 9.

3) Lý Hóa: 2 giờ mỗi tuần ở các lớp 6 và 7; 2 giờ ½ ở các lớp 8 và 9. Gồm các bài học về (1) Vật Lý: cân, nguyên lý Archimèdes, nhiệt độ, điện, quang; (2) Hóa Học: H2O, Oxy và oxy hóa, Hyt ro và không khí, acid và bases, kim khí, hóa học hữu cơ.

4) Vạn Vật: 1 giờ ½ mỗi tuần cho các lớp 6, 7, 8, 9. Gồm sinh vật, cây cỏ, thú vật, đất đá, con người.

5) Toán: 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 6 và 7; 4 giờ mỗi tuần cho các lớp 8 và 9. Gồm các bài học về: số học, phân số, đại số, phương trình bậc nhất, hàm số (y = ax và y = ax + b); phương trình bậc hai, hàm số (y = x2 ; y = ax2 ; y = 1/x ; y = a/x). Về hình học: đường thẳng, đoạn thẳng, gốc vuông, tam giác đồng dạng, đa giác ; hình học không gian: mặt phẳng song song, hình nón, hình cầu.

6) Sử Địa: 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 6, 7, 8, và 9. Gồm: (1) Sử Ký: Việt Nam từ khởi thủy đến 1945; sử thế giới (sự phát triển kỹ nghệ Âu Châu và sự bành trướng của chủ nghĩa thự dân; các nước Á Châu trước chủ nghĩa thực dân – Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản; Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhất; thế giới giữa hai thế chiến); (2) Địa lý: trái đất, Âu Châu, Phi Châu, Mỹ Châu, Á Châu (trừ Việt Nam), Úc Châu, và Việt Nam.

7) Công Dân: 1 giờ mỗi tuần cho các lớp 6 và 7, 2 giờ mỗi tuần cho các lớp 8 và 9. Gồm những bài học về: cá nhân và gia đình, tổ chức ở học đường, bổn phận của học sinh, đời sống xã hội và tôn giáo, quyền và bổn phận một công dân.

8) Nhiệm Ý: 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 6, 7, 8, 9. Gồm: hội họa, âm nhạc, thể thao cho nam sinh; nữ công gia chánh, âm nhạc, thể thao cho nữ sinh.

· Bậc Trung học Đệ Nhị Cấp:

Chương trình học ở bậc trung học đệ nhị cấp một mặt giúp học sinh hoàn tất nền học vấn bậc trung học và mặt khác sửa soạn cho học sinh bước vào ngưỡng cữa đại học. Ở những năm học này học sinh được lựa chọn những môn học thích hợp với khả năng và sở thích của mình. Chương trình học do đó, không đồng nhất, màđược thay đổi tùy theo ngành và tùy theo ban. Về ngành thì có ngành Phổ Thông, ngành Nông Lâm Súc và ngành Kỹ Thuật. Mỗi ngành lại chia làm nhiều ban. Ngành Kỹ Thuật có các ban Cơ Khí (mechnics), Điện (electricity), Điện Tử (electronics), Rèn (forging), Hàn (welding) v v …Ngành Nông Lâm Súc có ban Canh Nông (agriculture) , Lâm (forestry), và Súc (animal husbandry). Ngành Phổ Thông có các Ban A, Ban B, Ban C và Ban D. Riêng ngành phổ thông, ngành có nhiều học sinh nhất, số giờ học theo từng môn và theo từng ban được ghi rõ trong bản phân phối đính kèm. Nhìn chung ta thấy Ban A (tức ban Khoa Học Thực Nghiệm) chú trọng vào Vạn Vật, và Vật Lý – Hóa Học, Ban B (hay ban Toán) chú trọng vào Toán học và Vật Lý – Hóa Học, Ban C chú trọng vào Triết học (Tâm Lý, Luận Lý, Đạo Đức và Siêu Hình học) và Sinh Ngữ, và Ban D chuyên về Triết học và Cổ Ngữ. Về Sinh Ngữ, có sinh ngữ chính và sinh ngữ phụ. Sinh ngữ chính có thể là Anh Ngữ hay Pháp Ngữ; sinh ngữ phụ có thể là Anh, Pháp, Đức, Nhật, Y Pha Nho, Ý. Cổ Ngữ có thể là Hán hay La Tinh. Thường thì hai Ban C và D được gọi chung là Ban Văn Chương. Các môn học trong chương trình Phổ Thông được tóm ghi như sau:

1) Quốc Văn: 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 10 và 11 A và B; 5 giờ mỗi tuần cho các lớp 10 và 11 ban C và D. Gồm văn học sử từ khởi thủy đến 1945 (văn học bình dân truyền khẩu, văn chương chữ Nôm và văn học chữ Quốc Ngữ), giảng văn (15 tác giả và tác phẩm cho ban A và B, và 20 tác giả và tác phẩm cho ban C và D), luận văn (luận đề văn chương và luân lý).

2) Triết học: 4 giờ mỗi tuần cho các lớp 12 Ban A, 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 12 Ban B, và 9 giờ mỗi tuần cho các lớp 12 Ban C và D. Gồm Luận Lýhọc và Đạo Đức học cho cả 4 Ban; Tâm Lý Học và Siêu Hình Học cho các Ban C và D, một phần Tâm Lý Học cho Ban A.

3) Công Dân: 2 giờ mỗi tuần cho các lớp 10 và 11 A, B, C, D; và 1 giờ mỗi tuần cho lớp 12 tất cả các Ban. Gồm: Quốc Gia (dân tộc, lãnh thổ, chánh phủ, hiến pháp, lập pháp, hành pháp, tư pháp), Liên Hiệp Quốc (tổ chức, UNESCO, các tổ chức khác), Phong Tục, Kinh Tế (các lý thuyết, sản xuất, thương mại, tiền tệ, ngân hàng), Chính Trị (dân chủ, chính đảng, chính thể, độc tài, phát xít, cộng sản).

4) Sử Địa: 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, và 12 các Ban A, B, C, D. Gồm: Sử Việt Nam từ 1407 đến 1945, Sử Thế Giới từ cuối thế kỷ XVIII đến 1945 (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Đại Chiến Thế Giới I, Đại Chiến Thế Giới II), Địa Lý Địa Cầu, Địa Lý Việt Nam, Địa Lý Thế Giới (Hoa Kỳ, Tây Đức, Anh, Nhật, Nga Sô, Trung Hoa Lục Địa, Ấn Độ).

5) Sinh Ngữ I: 4 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, và 11 A, B; 3 giờ mỗi tuần cho lớp 12 A, B, 6 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, 12 C và D. Anh Văn (English for Today, books III và IV cho Ban A và B, books IV và V cho Ban C và D), hay Pháp Văn (Cours de Langue et de Civilisation Francaise, Tome II cho Ban A và B, Tome II thêm các tác giả La Fontaine, A. Daudet, A. France, St. Exupéry, G. Duhamel cho Ban C và D).

6) Sinh Ngữ II: 4 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, và 11 A và B, 6 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, 12 C. Anh Văn (English for Today, Books I và II cho Ban A và B, Books I, II, và III cho Ban C), hay Pháp Văn (Cours de Langue et de Civilisation Francaise, Tome I cho Ban A và B, Tome I và II cho Ban C). Ban D thì học Cổ Ngữ (chữ Hán hay tiếng La Tinh).

7) Toán: 1 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, 12 C, D, 4 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11 A, 5 giờ mỗi tuần cho lớp 12 A, 6 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11 B, và 9 giờ mỗi tuần cho lớp 12B. Nhiều chi tiết và nhiều phần khó cho Ban B, tổng quát hơn cho Ban A và rất hạn chế cho Ban C và D. Gồm Đại Số (phương trình bậc hai và bất bình đẳng, lô ga rít, đạo hàm và hàm số), Hình Học (hình học giải tích), Chuyển Động(véc to, vận tốc, chuyển động thẳng), Lượng Giác, Thống Kê và sác xuất.

8) Vạn Vật: 1 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, 12, Ban B, C, và D, 3 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11 Ban A, và 4 giờ mỗi tuần cho lớp 12 Ban A. Nhiều chi tiết và thí nghiệm cho Ban A, nhưng nhiều giới hạn cho các Ban B, C, và D. Gồm địa chất (geology), thực vật (botany), và động vật (animals).

9) Lý Hóa: 1 giờ mỗi tuần cho các lớp 10, 11, 12 Ban C và D, 4 giờ ½ mỗi tuần cho các lớp 10, 11 Ban A và B, 7 giờ mỗi tuần cho lớp 12 Ban A và B. Nhiều chi tiết và nhiều phần khó cho các Ban A và B. Rất giới hạn cho các Ban C và D. Gồm Vật Lý (lực, tĩnh, nhiệt,…), Hóa Học (nguyên tử, …).

· Chương Trình Trung Học Tổng Hợp (comprehensive secondary school curriculum)


7. TÀI LIỆU, DỤNG CỤ GIÁO KHOA

Phần lớn các sách giáo khoa, và một số các dụng cụ khoa học đều do Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục sản xuất và cung cấp với sự giúp dỡ và viện trợ của các cơ quan ngoại quốc như USAID. Ban tu thư dịch thuật với các giáo chức và các họa sĩ với chuyên môn và kỹ thuật cao đã soạn thảo trọn bộ sách bậc tiểu học tốt về nội dung cũng như hình thức. Nhiều sách dịch và tham khảo đã được duyệt và ấn loát để các học sinh và sinh viên cótài liệu tham khảo.

Ngoài ra trung tâm còn hợp tác với cơ quan quốc tế UNESCO để viết và dịch các sách nhi đồng để giúp các em hiểu biết về các nền văn hóa quanh ta và tạo sự đoàn kết giữa các nhi đồng trên thế giới. Bộ Giáo Dục cũng dành riêng ngân sách để ấn loát sách giáo khoa bậc tiểu học cho gần 30 sắc tộc khác nhau.

Để thống nhất các danh từ chuyên môn, Bộ Giáo Dục đã thiết lập Ủy Ban Quốc Gia soạn thảo danh từ chuyên môn. Nhiều giáo sư đại học đã tham gia vào việc soạn thảo và Trung Tâm Học Liệu đã bắt đầu ấn hành những tập đầu tiên danh từ văn học và khoa học.

Trường Sư Phạm: trường đào tạo giáo chức

Sư phạm là khuôn mẫu dạy dỗ (sư là thầy dạy, phạm là cái khuôn), hay nói nôm na ra là phương pháp, cách thức dạy học. Trường sư phạm là trường đào tạo giáo chức, là nơi người ta dạy cách thức hay phương pháp dạy học cho những người muốn làm nghề dạy học. Có kiến thức chuyên môn sâu rộng là một việc còn biết cách dạy cho có hiệu quả là một chuyện khác. Kiến thức chuyên môn chỉ mới là điều kiện cần, phải có kiến thức sư phạm nữa mới là điều kiện đủ để trỡ nên nhà giáo đúng nghĩa. Người có cử nhân toán học là người có đủ kiến thức về toán để dạy học sinh ban Tú Tài, kể cả Tú Tài Toán (Ban B) chẳng hạn, nhưng nếu người đó có thêm kiến thức hay kinh nghiệm sư phạm nữa thì sự truyền đạt những kiến thức toán của mình cho học sinh càng có nhiều hy vọng có kết quả hữu hiệu hơn. Vai trò của trường sư phạm là giúp những người muốn làm thầy thu thập được những kiến thức và kinh nghiệm dạy học đó.

Trường sư phạm (école normale, hay école de pédagogy) do người Pháp du nhập vào Việt Nam hồi tiền bán thế kỷ XX, như trường sư phạm Nam Việt, trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội chẳng hạn. Thời Việt Nam Cộng Hòa, có nhiều trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và giáo học bổ túc như Quốc Gia Sư Phạm (Sài Gòn), Sư Phạm Long An, Sư Phạm Vĩnh Long, Sư Phạm Qui Nhơn, Sư Phạm Bam Mê Thuộc, v v …, hoặc các trường sư phạm đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp hoặc đệ nhị cấp như Cao Đẳng Sư Phạm sau đổi thành Đại Học Sư Phạm (Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Sư Phạm Huế, Đại Học Sư Phạm Đà Lạt). Đại Học Sư Phạm một năm đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đại Học Sư Phạm ba năm đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Đại Học Sư Phạm gồm nhiều ban như Việt Văn, Triết, Pháp Văn, Anh Văn, Toán, Lý Hóa, Vạn Vật, Sử Địa. Trường Sư Phạm một mặt giúp các giáo sinh mở rộng kiến thức chuyên môn (học về nội dung các môn mình sẽ dạy), mặt khác giúp các giáo
chức tương lai trau dồi về sư phạm (cả lý thuyết lẫn thực hành).

· Tu Nghiệp Giáo Chức

Tu nghiệp là cách tốt nhất để các giáo chức có cơ hội hiện đại hóa những kiến thức chuyên môn cũng như những kiến thức/kinh nghiệm sư phạm của mình. Thật ra với đà tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật ngày nay, những hiểu biết của con người ở bất cứ lãnh vực nào cũng có thể rất dễ bị lỗi thời chỉ trong một thời gian ngắn, nếu không có dịp học hỏi, cập nhật hóa những hiểu biết chuyên môn của mình. Ở địa hạt giáo dục cũng vậy, nhà giáo cần phải để thì giờ và cơ hội học hỏi thêm, cập nhất hóa những kiến thức chuyên môn của mình để không bị rơi vào tình trạng hủ hóa. Trong chiều hướng đó, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên thường xuyên tổ chức các chương trình và lớp tu nghiệp cho các giáo chức. Với sự viện trợ của các quốc gia tiền tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Bộ VHGDTN thường gởi giáo chức đi tu nghiệp ở ngoại quốc. Trong nước thỉnh thoảng vẫn có những lớp tu nghiệp hay những buổi hội thảo về giáo dục để giáo chức có dịp học hỏi, thăng tiến trong nghề nghiệp. Nha Sư Phạm và các trường sư phạm đảm trách công việc tu nghiệp ở trong nước cho các giáo chức.

· Đời sống và tinh thần giáo chức

Chỉ số lương của nhà giáo tuy có khá hơn một số các ngành khác, nhưng so với mực sống của những công tư chức nói chung thì đồng lương và đời sống của nhà giáo có tính cách rất khiêm nhường. Chỉ số lương mới ra trường sư phạm của giáo viên tiểu học là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. So với các sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, lương giáo sư vẫn khá hơn, vì khi bị động viên vào quân ngũ, các sĩ quan giáo sư tuy đã mất phần phụ cấp sư phạm , vẫn còn được lãnh tiền sai biệt giữa lương căn bản giáo chức và lương sĩ quan. Với số lương căn bản ấn định, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở tỉnh thời Đệ Nhất Cộng Hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người làm. Sang Đệ Nhị Cộng Hòa, đời sống bắt đầu mắt mỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng. Tuy vậy lúc nào nhà giáo cũng vẫn giữ vững tinh thần, và tư cách nhà mô phạm, từ cách ăn mặc thật đứng đắn, đến cách ăn nói giao tiếp với phụ huynh học sinh, và cả với giới chức chính quyền địa phương. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nhà giáo cũng hết lòng với sứ mạng, vẫn làm đúng lương tâm chức nghiệp của mình.

[…]

9. LƯỢNG GIÁ VÀ THI CỬ

Có hai lối thi để lượng giá học sinh ở bậc trung học ngoài kỳ thi tuyển vào lớp Sáu. Một là thi lục cá nguyệt ở trong lớp học và hai là dự thi lấy văn bằng ở cấp quốc gia. Thi lục cá nguyệt là kỳ thi do giáo sư dạy lớp ra đề thi, cho thi trong lớp, và chấm điểm, sắp hạng học sinh về môn của mình. Mỗi niên học có hai lần thi lục cá nguyệt. Cả bài thi và số điểm sẽ được đệ nạp trên văn phòng giám học. Trường sẽ cọng điểm các môn, dùng điểm trung bình để định việc lên lớp cho học sinh.

Thi lục cá nguyệt từ xưa đến giờ không được chú ý đúng mức. Ở trong trường cũng như ở ngoài xã hội, kể cả phụ huynh học sinh, ít người đặt nặng tầm quan trọng vào các kỳ thi lục cá nguyệt. Đây là một quan niệm sai lầm đáng tiếc. Người ta chỉ chú trọng vào các kỳ thi lấy văn bằng ở cấp quốc gia (national examinations). Và càng về xưa càng nhiều kỳ thi, càng nhiều kỳ thi càng nhiều gạn lọc, loại bỏ dọc đường, không cho phép học sinh có cơ hội được học lên cao. Thi theo xưa là một cách chọn lọc quá khắt khe, chỉ chọn lấy toàn là người thật giỏi, thật ưu tú (elites).

Trước 1960 số thí sinh còn ít và Bộ Giáo Dục còn tổ chức được rất nhiều kỳ thi như thời Pháp thuộc: thi Tiểu Học, thi vào Đệ Thất, thi Trung Học Đệ Nhất Cấp với cả hai phần thi viết vấn đáp, thi Tú Tài I (viết và vấn đáp), thi Tú Tài II (viết và vấn đáp). Tú Tài I và II lại có hai kỳ, kỳ I và II cho mỗi năm. Sang thập niên 1950 kỳ thi Tiểu Học được bãi bỏ, Trung Học Đệ Nhất Cấp chỉ có thi viết thôi, không còn vấn đáp, và sau đó, trong thập niên 1960, cũng bỏ luôn Trung Học Đệ Nhất Cấp nhưng lại tổ chức kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp Tráng Niên cho một ít người lớn tuổi. Đến năm 1973 kỳ thi Tú Tài I cũng được bãi bỏ chỉ còn giữ kỳ thi Tú Tài II xem như kỳ thi tốt nghiệp bậc Trung Học. Cách thức làm đề thi khi xưa là đánh máy một ít đề thi rồi giao cho giám thị phòng chép tay trên bảng. Sang đầu thập niên 1960 đề thi mới được in ronéo ra nhiều bản để phát cho mỗi thí sinh một bản đề thi. Đề thi làm theo lối luận đề (essay type), đặt câu hỏi để thí sinh phải viết câu trả lời dài dòng. Lối ra đề thi này rất chủ quan, giới hạn các câu hỏi trong một số rất ít chủ điểm, đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng rất nhiều để có thể viết lại kịp thời những gì đã học trong sách vở. Với lối ra đề thi như vậy người ta không thể nào khảo sát được một cách khách quan và tổng thể sự thu nhận và hiểu biết của học sinh về những môn quan trọng trong chương trình học. Đề thi và cách chấm thi theo lối này dễ đưa tới việc học sinh học tủ, đánh bùa, chép bài, và giám khảo chấm bừa (thủ vĩ ngâm), tìm bài và nâng điểm. Hồ sơ thi cử như ghi danh, làm phiếu báo danh, sổ điểm, ghi điểm, cọng điểm, v v… tất cả đều làm bằng tay và khi thí sinh quá đông thì không tránh được những sơ sót, và đúng ra cũng không còn cách nào làm nỗi nếu theo cách làm cổ điển này. Các kỳ thi kéo dài hết cả mùa hè và các giáo sư dạy lớp thi phải đi gác thi, chấm thi luôn, không còn thì giờ nghỉ ngơi hay làm việc gì khác. Cái hại nhất của các kỳ thi là giới hạn rất nhiều số người thi đậu, gạn lọc quá nhiều học sinh không để cho có nhiều học sinh tiến lên các cấp cao ở trên. Một trăm học sinh khi xong Tiểu học chỉ còn không đầy 50 em được vào Trung học công lập, một số khác phải vào tư thục nếu gia đình có tiền. Trong số 50 em này sau khi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp chỉ còn khoảng 20 em vào Đệ Tam rồi Đệ Nhị và dự thi Tú Tài I. Xong Tú Tài I còn không đầy 10 người lên học thi Tú Tài II. Thường thì hầu hết những người đậu xong Tú Tài I đều sẽ đậu Tú Tài II sau đó. Thành ra tính trung bình không hơn 10% học sinh vào trung học được tốt nghiệp trung học. Thật là phi lý khi rất nhiều học sinh phải mất thì giờ học bao nhiêu năm, chính phủ phải tốn bao nhiêu tiền bạc để lo cho họ đi học rồi rốt lại chỉ một hai ngày thi cử họ đã phải vứt bỏ hết bao nhiêu công lao, tiền bạc của công cũng như của tư. Cần phải có sự cải tổ về thi cử để cải tiến hệ thống lượng giá và đo lường trình độ học vấn của học sinh và để đương đầu với áp lực của sĩ số mỗi ngày một gia tăng nhanh chóng. Thi lấy văn bằng ở cấp quốc gia quan trọng nhất là thi Tú Tài I và Tú Tài II. Nam sinh thi rớt Tú Tài I là phải nhập ngũ, đi lính. Nếu có Tú Tài I mà nhập ngũ thì được đi khóa sĩ quan. Từ đầu thập niên con số thí sinh dự thi Tú Tài gia tăng rất nhiều, việc tổ chức thi cử theo lối cũ (theo lối của Pháp) không giải quyết nổi vấn đề làm hồ sơ khảo thí, đánh mật mã, cắt phách, chấm thi, cọng điểm, sắp hạng, làm chứng chỉ trúng tuyển, vv . .tất cả những công việc đó không còn làm bằng tay theo lối cổ điển được nữa. Nhất là khi bãi bỏ kỳ thi Tú Tài I thì số thí sinh dự thi Tú Tài II sẽ gia tăng gần gắp đôi trong năm 1974. Vả lại thi theo lối cũ, lối luận đề (essay type) có tính cách chủ quan và một số những khuyết điểm của nó trong vấn đề lượng giá. Thi trắc nghiệm khách quan theo lối Mỹ tuy không phải là toàn mỹ nhưng vẫn có nhiều ưu điểm hơn trong vấn đề lượng giá một cách khách quan, khoa học, và có thể tránh được những gian lận thi cử. Để kịp thời đối phó với tình trạng gia tăng quá nhanh, và để cải tiến vấn đề lượng giá cho đúng mức, một hội đồng cải tổ thi cử được thành hình từ tháng 11 năm 1972, và ráo riết làm việc để hoàn tất công cuộc đổi mới áp dụng trong kỳ thi Tú Tài năm 1974 (khóa I thi ngày 26 và 27 tháng 6, và khóa II ngày 28 và 29 tháng 8). Đây là kỳ thi Tú Tài theo lối trắc nghiệm khách quan lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng ở Nam Việt Nam.

Về giấy tờ thủ tục, đầu thập niên 1970 Nha Khảo thí đã ký khế ước với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vu, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển, đến các con số thống kê cấn thiết. Đề thi trắc nghiệm khách quan thì cũng đã được đem vào các kỳ thi Tú Tài I và II cho môn Công Dân – Sử Địa từ niên khóa 1965-66. Nhưng phải đến năm 1974 thì toàn bộ các môn thi trong kỳ thi Tú Tài mới gồm toàn những câu trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn (multiple choice). Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều có đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1,800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời (làm item analysis) của học sinh để định độ khó (difficulty index; độ khó ở đây là .60) của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu trắc nghiệm cho thích hợp. Tín độ (reliability; hệ số tín độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ .91 đến .94) và hiệu độ (validity; hệ số hiệu độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ .60 đến .73 ) của bài trắc nghiệm được tính theo đúng phương pháp thống kê khoa học. Bảng trả lời được đặt từ Mỹ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230; điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy 534 (punching machine) để đục lổ. Những phiếu đục lổ này (punched cards) được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cọng điểm, tính điểm trung bình (mean), độ lệch tiêu chuẩn (standard deviation), chuyển điểm thô (raw score) ra điểm tiêu chuẩn (standard score), tính percentile và thứ hạng trúng tuyển. Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (Norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp khoa học của thống kê học, để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn.

Tổng số thí sinh ghi tên trong khóa I, 1974 là 142, 356, nhưng thật sự dự thi chỉ có 129, 406. Trong số này có 53, 868 thi đậu (41.6%) và 75, 538 thí sinh không đâu (58.4%). Tổng số thí sinh ghi tên dự thi khóa II là 94,606, nhưng thật sự dự thi chỉ có 76,494. Trong số này có 8,607 thi đậu (11.3%) và 67,887 không đâu (88.7%). Số người thi đậu Tú Tài (tốt nghiệp Trung học) nhiều hơn xưa nhiều lắm (hơn 45% cho cả hai khóa, so với khoảng 10% trong những thập niên trước). Kỳ thi quốc gia không còn có mục đích gạn lọc, loại bỏ như xưa nữa. Từ đó sẽ có nhiều người có cơ hội được học đại học, và nước nhà sẽ có nhiều người ở trong thành phần trí thức, trình đô dân trí sẽ được nâng cao hơn.


Trích tài liệu Nam Sơn Trần Văn Chi

Những năm đầu sau khi Pháp rút về nước, giáo dục Việt Nam tiếp tục cái gì có trước. Cho đến Ðại Hội Giáo Dục Toàn quốc năm 1958, VNCH mới xây dựng nền giáo dục độc lập dựa trên 3 nguyên tắc: Nhân Bản-Dân Tộc và Khai Phóng.

[…]

Thời Tây 1930, toàn Ðông Dương có 406,669 học trò gồm sơ và tiểu học trong đó có 20% là học trò Lào và Miên.

Thời Ðệ I Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 1 triệu 214,621 học sinh tiểu học, 112, 129 học sinh trung học. Tăng 200% so với niên học 54-55, lúc mới thâu hồi độc lập từ tay Pháp.

[…]

Giáo viên tiểu học trước năm 1975 có chỉ số 250, giáo học bổ túc là 320, giáo sư Ðệ I cấp chỉ số 400, Ðệ II cấp lên 470. Lương giáo viên, giáo sư như thế so với ngạch công chức và quân đội, tương đối cao, nên đời sống bảo đảm, thư thả; đặc biệt vị trí người thầy luôn được xã hội tôn trọng, cha mẹ học sinh kính nể.

[…]

Bậc đại học đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ.

Sau Thế Chiến Thứ II, Pháp trở lại Việt Nam, Ðại Học Ðông Dương ở Hà Nội được đổi tên là Ðại Học Hà Nội, viện trưởng vẫn là người Pháp. Sau đó có một số khoa được mở ở Sài Gòn như Luật, Y khoa và Khoa Học, do phó viện trưởng là người Việt điều hành.

Sau năm 1954, chi nhánh đại học Hà Nội tại Sài Gòn cải tên là Viện Ðại Học Quốc Gia Việt Nam, đến năm 1957 đổi tên là Viện Ðại Học Sài Gòn, tên nầy giữ cho tới năm 1975.

Khi bắt đầu diễn ra Hội Nghị Paris (trong kế hoạch chuẩn bị hậu chiến) năm 1972 VNCH thành lập Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng, năm sau 1973 Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức thành lập.

Hệ thống đại học ở VNCH không thuộc Bộ Giáo Dục, và cũng không có cơ quan chủ quản (trư trường Y Dược thuộc Bộ Y Tế chủ quản). Ðại học Việt Nam tự trị về học vụ chuyên môn. Ngân sách của đại học là bộ phận trong ngân sách Bộ Giáo Dục do Quốc Hội chuẩn duyệt hàng năm; nhân viên và giáo sư đại học thuộc Tổng Ủy Công Vụ.

Ðại học VNCH bấy giờ có hai hệ thống: Ðại Học Quốc Gia và Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương.

Ðại Học cấp Quốc Gia: gồm có

1. Viện Ðại Học Sài Gòn:

Sau năm 1954, Viện Ðại học Hà Nội chuyển vào Nam nhập vào Viện Ðại Học Sài Gòn. Viện có 8 phân khoa là Y, Dược, Nha, Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật và Kiến Trúc. Có đại học xá Minh Mạng dành cho nam, Trần Quý Cáp dành cho nữ, có trung tâm Y tế chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.

2. Viện Ðại Học Huế:

Thành lập theo sắc lịnh VNCH-1 do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký vào Tháng Ba năm 1957 gồm có 4 khoa như Sư Phạm, Y khoa, Văn khoa và Luật.

3. Viện Ðại Học Cần Thơ:

Ðược thành lập ngày 31 Tháng Ba 1966 do nghị định của chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký. Có 4 khoa là: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, Luật & Khoa Học Xã Hội.

4. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thuộc Phủ Thủ Tướng:

Học viện được thành lập từ 29 Tháng Năm 1950 theo Quyết Ðịnh của Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam (tên gọi lúc đó), lúc đầu đặt ở Ðà Lạt, năm 1958 dời về đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.

5. Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, thuộc Bộ Quốc Phòng:

Sinh viên học 4 năm, môn chánh là võ khoa; môn phụ là Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã Hội. Tốt nghiệp bằng Cử Nhơn Võ Khoa, một ngành mới mẻ đối với Việt Nam.

6. Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức:

Thành lập do sắc lệnh của tổng thống VNCH, và hoạt động chánh thức năm 1974.

Viện bao gồm một số trường có trước như Trung Tâm Phú Thọ, Ðại Học Nông Nghiệp, Ðại Học Kỹ Thuật. Viện có lập một số trường mới như là Ðại Học Kinh Thương, Ðại Hoc Khoa Học Căn Bản, Ðại Học Thiệt Kế Ðô Thị và Nông Thôn…

Ðại học Cộng Ðồng Ðịa Phương

Trường Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương chỉ huấn luyện về chuyên môn và thực dụng, học trình 2 năm.

Cho tới năm 1975, VNCH có 5 trường:

- Ðại Học Cộng Ðồng Quãng Ðà
– Ðại Học Cộng Ðồng Nha Trang
– Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho
– Ðại Học Cộng Ðồng Long Hồ Vĩnh Long
– Ðại Học Cộng Ðồng Ban Mê Thuột, mới có quyết định.

Giáo Dục Việt Nam trước 1975 ngoài hệ thống công lập còn có hệ thống trường tư.

Ðại học tư trước năm 1975 có:

- Viện Ðại Học Ðà Lạt
– Viện Ðại Hoc Minh Ðức
– Viện Ðại Học Vạn Hạnh
– Viện Ðại Học Cao Ðài/Tây Ninh
– Viện Ðại Học Hòa Hảo/An Giang

Nguồn:
http://hocthenao.vn/2013/10/16/nen-giao-duc-o-mien-nam-1954-1975-trich-nguyen-thanh-liem/

6 tháng 10, 2014

Chưa sống đã chết



Lý do ung thư ở Việt Nam nhiều nhất thế giới

Lý do bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nhiều nhất thế giới
Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo. Đáng buồn là tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ em của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày, theo báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam. Điều này làm cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới.
Nước mắt lăn tròn trên má người mẹ có con bị ung thư.

Theo kết quả khảo sát năm 2011, tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực. Cũng báo cáo, trong cả nước, Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỷ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM (năm 2010).

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Lý do là mỗi ngày họ phải sử dụng những chiếc áo ngực Trung Quốc có chứa đủ thứ hóa chất gây bệnh mà không hề hay biết.
Hiện tại, cả nước có từ 240.000 – 250.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung (đối với nữ).

Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong. Theo dự báo, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân gây bệnh thì có nhiều, song chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại.

Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc. Chỉ tính trong năm 2012 đã có hàng ngàn vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc trong nước bị phát hiện và bắt giữ. Trong đó, hầu hết đều có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng: táo, khoai tây, lê…

Người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc và lựa chọn thực phẩm trong nước nhưng cũng chẳng được an toàn hơn khi hàng loạt các thực phẩm, hoa quả trong nước được tẩm ướp và chế biến, bảo quản bằng hóa chất như giá đỗ, chuối, đu đủ, cà chua, mít…

Ngay cả những thứ quà vặt cho trẻ em như bim bim, bánh kẹo hay những thứ đồ chơi cho trẻ như thú nhún, cây thông Noel cũng trở nên nguy hiểm đổi với con người bởi bên trong đó là những loại hóa chất trở thành tác nhân gây ra bệnh ung thư.

Chính vậy, tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ em của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng.

Bệnh viện Johns Hopkins là một bệnh viện trường đại học Baltimore nằm ở Baltimore, bang Maryland, Hoa Kỳ. Được thành lập nhờ tài trợ từ John Hopkins, ngày nay, nó là một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất trên thế giới và năm thứ 17 liên tiếp được phân loại ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của các bệnh viện tốt nhất tại Hoa Kỳ.

Sau nhiều năm theo đuổi phương pháp hóa trị liệu như là cách duy nhất để điều trị và loại bỏ ung thư, Bệnh viện Johns Hopkins đã bắt đầu cho rằng có những lựa chọn thay thế khác với hóa trị liệu.

Theo đó, cách hiệu quả để chống lại ung thư là không nuôi các tế bào ung thư với các chất dinh dưỡng cần thiết cho nó để nó không phát triển được.




Việt Nam: Tại sao ung thư nhiều đến vậy?
Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề bức xúc do quá nhiều nguy cơ độc hại, nhưng công tác kiểm nghiệm, kiểm soát lại rất hạn chế.

Một cơ sở dùng thực phẩm ôi, thiu để tái chế rồi bán ra thị trường - Ảnh: Thanh Tùng

Ngày 30.9, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay - thực trạng và giải pháp”, với sự tham dự của nhiều sở, ngành, tổ chức.

Tại hội nghị, bà Đoàn Thị Thanh Xuân (Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP.HCM) cho rằng: “ATVSTP là vấn đề lo lắng, bức xúc của người dân. Người dân không biết dùng thực phẩm nào để đảm bảo ATVSTP. Mua thực phẩm ở chợ không yên tâm, thậm chí ở siêu thị cũng có những loại đáng nghi. Tại sao tình trạng ung thư hiện nay nhiều vậy, người ta nghi ngờ là do dùng nhiều thực phẩm không đảm bảo ATVSTP.

Nguy cơ ngộ độc bao vây

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, thừa nhận: “Vẫn còn những vấn đề cần nói, đó là: lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở TP mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc. Việc kiểm soát chủ yếu là qua test nhanh và lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện; tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về TP.HCM qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...”.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: “Việc quản lý chất lượng các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước vẫn còn lỏng lẻo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Chúng ta chưa quản lý được phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán chung với hóa chất, phụ gia dùng cho công nghiệp, tạo điều kiện cho việc mua bán hóa chất, phụ gia kém chất lượng, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP)...”. GS Sơn dẫn chứng số liệu NĐTP những năm qua như: năm 2012 cả nước có 168 vụ NĐTP khiến 5.541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5.348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ NĐTP; và 6 tháng đầu năm 2014 xảy ra 56 vụ NĐTP khiến 1.874 người nhập viện, 16 người tử vong.

Có kết quả thì hàng đã lưu thông

Thế nhưng, năng lực kiểm nghiệm, kiểm soát trong nước còn nhiều hạn chế. GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm nghiệm các hóa chất cụ thể mà ta nghi ngờ nhắm đến, chứ không cho phép nhận diện các chất lạ, độc hại khác hiện diện trong thực phẩm”.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cũng thừa nhận: “Lượng hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, nên cơ quan nhà nước không biết cơ sở sản xuất bỏ chất gì để tầm soát, mà chỉ đơn giản tầm soát những chất do Bộ Y tế quy định. Do đó trong thời gian qua công tác tầm soát chủ yếu dựa vào cảnh báo của nước ngoài. Mặt khác, khi phát hiện một chất lạ trong sản phẩm thì lúc đó cơ quan nhà nước mới ban hành thường quy kỹ thuật và xem xét có được sử dụng hay không, nếu được thì cho phép với hàm lượng bao nhiêu, nên khó khăn trong xử lý. Chẳng hạn như vụ các chất tinopal, melamine, 3 - MCPD...”.

Ngoài ra, theo ông Hòa, hạn chế trong công tác kiểm soát ATVSTP, đó là do chưa có hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ đối với các lô hàng khi test nhanh dương tính (chất cấm - PV) để chờ kết quả định lượng. Điều này dẫn đến việc khi có kết quả định lượng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đó đã lưu thông ngoài thị trường! 

Thanh Tùng
-----
Nguồn: Internet

1 tháng 10, 2014

BÓ TAY.COM





Hehehe...



Chân dài vác vai



Thớt nghiến


Tầm nhìn chiến lược



Nhầm chuồng



Quyết ngủ cho bố mẹ...quyết sinh



3 in 1



Liên hiệp các xí nghiệp chùa 



Sen kia ngự ở trong đầm/ Gái kia bị đéo gì đâm, ấy nhờ?



Hồn bướm mơ tiên.



Chuồng chó dành cho dân tộc Cờ-hó.


Đắng lòng với tình " đồng chí".



Mại zô, mại zô...

Xong Nhức mắt hình ảnh nam thanh niên sờ soạng bạn gái khi đi xe máy

Bản giao hưởng hợp sướng có tên: Móc - Lốp.



Được mùa thóc lúa không phụ ngô khoai.


Cú đêm đang ngồi...đếm cu.



Cho trăm năm vào chết một lần...


Luyện càng.



Thần đồng đại thi hào.


Cắn phải củ cải...cũng kinh.



Chó dái đái đường.



Phóng viên chiến trường.



Ăn vã đi...



Công nghệ điều đào.





Ngưu Nhân Cẩu - Photo by Đéo Biết:))



Khai căn lấy lũy thừa bẹn:))



Chân dài đái liệu có khai? Cho anh tương phát đời giai lộn gằm:))


Xe ưu tiên.